TRIỂN LÃM CÔN TRÙNG

Ngày đăng: 26/08/2019 Lượt xem: 340
Mặc định Cỡ chữ

CÔN TRÙNG

Triển lãm sắp đặt của Yến Năng, Phạm Thị Hồng Sâm, Hà Huy Mười, Lê Đức Hùng và Nguyễn Mạnh Hùng 

 

Khai mạc: 17h00, Thứ Hai , 26.8.2019
Địa điểm: VICAS ART STUDIO, 32 Hào Nam, Hà Nội
Thời gian: 26.8 đến 11.9.2019
Miễn phí vào cửa

Đối tác truyền thông: Hanoi Grapevine

Cái tên của triển lãm nhóm này đã dễ dàng được 5 nghệ sỹ nhất trí, bởi trong quá khứ mỗi người trong họ đều đã vẽ, làm tượng về một loại côn trùng nào đó.

Thực ra, CÔN TRÙNG chỉ là đề tài, mục đích của các nghệ sỹ là muốn trình ra các quan niệm mới, các ý tưởng và phương pháp mới trong nghệ thuật điêu khắc. 

Dường như cả 5 nghệ sỹ đều muốn thoát khỏi quan niệm về điêu khắc truyền thống, đó là tạo hình 3D, là đục, đẽo, khuôn, là phản ánh hiện thực...

 

Yến Năng là một nghệ sỹ thị giác, chuyên làm những tác phẩm có tính phù du, gần đây anh đã làm những tác phẩm điêu khắc nét bằng sắt sợi. Lần này anh kết hợp chất liệu sắt sợi và than. Sở dĩ như vậy là do vụ cháy rừng khủng khiếp ở Hà Tĩnh, anh bị xúc động mạnh nên đã đến khu rừng cháy và nhặt từ đống tro tàn nhưng que than để làm tác phẩm của mình: cháy rừng, những con côn trùng bé xíu cũng thành than, chẳng còn sự sống nào cả, thật là thảm khốc.

 

Hùng Dingo là họa sỹ biếm họa nên cái nhìn về côn trùng của anh cũng bộc lộ quan điểm xã hội: lo ngại về những loài sâu bọ phá hoại tinh thần của con người. Ngôn ngữ điêu khắc của anh ngẫu hứng, tự do: uốn, cài đan xen sắt và dây thép gai.

 

Dưới con mắt của nghệ sỹ Hà Huy Mười, đôi khi con côn trùng bé li ti nhưng lại có sức công phá còn khủng hơn tê giác. Phương pháp của anh là phóng đại và lạ hóa khiến cho các con côn trùng của anh vừa quen vừa lạ.

 

Phạm Thị Hồng Sâm sẽ mang đến triển lãm một tác phẩm điêu khắc 2D khá hoành tráng. Đó là đóng góp mới của Sâm về ngôn ngữ điêu khắc ở Việt Nam. Ngoài ra, cô ấy còn tạo ra được những con côn trùng kỳ dị, tưởng tượng nhưng đẹp mắt.

 

Hơn một năm nay, Nguyễn Mạnh Hùng nghiên cứu tập tính bầy đàn của kiến và đã nhận thấy những đặc tính xã hội của loài này. Ở triển lãm này, anh sắp đặt đàn kiến của mình, cả kiến chúa lẫn kiến thợ, để biểu hiện những mối quan hệ xã hội của kiến cũng phức tạp như ở xã hội loài chúng ta vậy. Kỹ thuật, thủ pháp hàn sắt mẩu của anh cực công phu, chưa ai làm.

 

Cả 5 nghệ sỹ đều không đặt mục tiêu thương mại lên hàng đầu ở triển lãm này. Họ đều coi triển lãm này là cuộc chơi ý tưởng. Chính do quan niệm như vậy nên việc lựa chọn các phương tiện biểu hiện hay chất liệu của các nghệ sỹ này rất tự do, phi truyền thống, rẻ tiền, có thể là sắt sợi, sắt vụn, bìa, giấy, xốp, than... Tôi cho rằng đây chính là cái hay của triển lãm này, bởi nếu vật liệu rẻ bạn có thể thoải mái hơn trong việc thể hiện các ý tưởng phóng túng của mình mà không sợ bị "sạt nghiệp" hay phá sản nếu tác phẩm của bạn không bán được và công chúng mới có cơ hội tiếp cận được những tác phẩm nghệ thuật táo bạo, không bình thường, chẳng giống ai.


Vicas Art Studio.
HÌNH ẢNH TÁC PHẨM TRONG TRIỂN LÃM

Yến Năng, Con đường côn trùng 4, than hoa và dây sắt, 3000x2900x1800, 2019

 

Yến Năng, Con đường côn trùng 3, than hoa và dây sắt, 3200x2200x2300, 2019

Yến Năng, Con đường côn trùng 2, than hoa và dây sắt, 3000x2400x1500, 2019

Yến Năng, Con đường côn trùng 1, cành cây cháy và dây sắt, 2200x3500x600, 2019

 

Phạm Thị Hồng Sâm, Nối mi, tổng hợp, 9000x2300x 600, 2019

Phạm Thị Hồng Sâm, Bộ Bọ - Côn trùng, tổng hợp, 450x450x250, 2019

Nguyễn Mạnh Hùng, Phận kiến, sắt hàn, tổng hợp, 900x1300x900, 2019

Nguyễn Mạnh Hùng, Đợi,  sắt hàn, 1100x1500x600, 2019

Lê Đức Hùng, Bọ não, dây thép gai và dây xích, 3000x2000x1000

Hà Huy Mười, Nhộng, giấy bồi trên xốp, acrylic, 2100x1500x600, 2019

Hà Huy Mười, Kén, giấy bồi trên xốp, acrylic, 3400x2200x600, 2019


 

Bình luận