ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG

Ngày đăng: 20/12/2018 Lượt xem: 170
Mặc định Cỡ chữ

 

ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG
Triển lãm sắp đặt của Nghệ sỹ Yến Năng

Khai mạc: 16h00, Thứ Năm, ngày 27/12/2018
Địa điểm: VICAS Art Studio, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
Thời gian: Từ 27/12/2018 đến hết 30/06/2019

Giờ mở cửa: Thứ Hai – Chủ nhật, (Sáng: từ 9h00 – 12h00; Chiều: từ 13h30- 17h00)
Địa chỉ: VICAS Art Studio, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
Đối tác truyền thông: Hanoi Grapevine 

Miễn phí vào cửa

-----------------
Yến Năng là một nghệ sỹ luôn thích thú với những tác phẩm nghệ thuật có tính chất phù du, coi quá trình tạo nên tác phẩm quan trọng hơn là kết quả (nhiều tác phẩm vừa làm xong đã dỡ bỏ). Nhiều năm qua, anh đã thành danh với loạt tác phẩm phù du kiểu đó với cái tên Rác Xuân 1,2,3....

Năm nay, anh được giao một bài toán khó: làm một tác phẩm nghệ thuật (chứ không phải là một trang trí) trong khuôn bể nước của VICAS, nhưng không phải là tác phẩm bất kỳ mà phải có tương tác với  những gì sẵn có ở bể nước (hòn non bộ, 2 vòi phun nước). 

Dường như không phải suy nghĩ nhiều, anh đã nảy ngay ra ý tưởng đầu tiên: sử dụng chất liệu là những hòn cuội để làm thành một làn sóng trên mặt bể nước.

C:\Users\Administrator\Desktop\46514480_1319757808165350_2728337443177627648_n.jpg

 

Tiếp tục mạch tư duy này, anh lại có chút thay đổi: Đá cuội sẽ được xếp cân đối như như núi đôi và mô phỏng hai miệng núi lửa đang hoạt động.

C:\Users\Administrator\Desktop\46514570_773458829660126_3157970606708752384_n.jpg

 

Thực ra, đây cũng là một ý tưởng tốt bởi chất liệu đá cuội dường như chưa được ai khai thác trong điêu khắc, tuy nhiên về tư duy sáng tạo thì đây vẫn là mô hình cũ: Mô phỏng thiên nhiên. 

Và sự đột biến về ý tưởng diễn ra trong một buổi cafe tại Vicas art studio: Mỗi một người bạn, đồng nghiệp của Yến Năng đưa ra hoặc góp thêm một ý mới.

3 câu hỏi Trung tâm được đặt ra trong cuộc thảo luận nhóm là:

1. Trung tâm của tác phẩm là hòn giả sơn (bất di bất dịch), nó là một biểu tượng quan trọng của trái đất, vậy sắp đặt thêm biểu tượng gì khác để thoát khỏi những mô phỏng hiện thực trong trái đất này? Hay nên kết nối trái đất của chúng ta với những hành tinh khác trong vũ trụ này? 

2. Giữa các hành tinh trong vũ trụ bao la có sự tương tác hay không? Có những điều mà loài người còn chưa biết: Biết đâu đã có trong quá khứ hay ngay trong hiện tại cũng có? Cũng như thế, các nền văn hóa trong trái đất này là do “trời sinh ra thế” hay có nguồn cội từ đâu, biết đâu lại từ một hành tinh khác thì sao? Ở nền văn hóa nào chúng ta cũng thấy những tồn dư của những ký hiệu, mật mã mà cho đến nay khoa học hiện đại cũng không thể giải mã được, ví như những hình vẽ bí ẩn trên bãi đá cổ Sapa?

3.  Hình thức nghệ thuật nào để thoát khỏi lối mòn của tư duy điêu khắc mô phỏng hiện thực, cùng lắm là làm biến dạng hình tượng mẫu?

Rất lạ lùng là Yến Năng, một nghệ sỹ thường chẳng nghe bất kỳ góp ý của ai khi làm tác phẩm của mình thì lần này đã tiếp thu các ý kiến khác biệt, thậm chí đối lập nhau của các bạn bè một cách vui vẻ và nhuần nhuyễn để tạo nên một tác phẩm không còn dính dáng gì đến ý tưởng ban đầu và với một tư duy nghệ thuật hoàn toàn mới: Không phản ánh, mô phỏng tự nhiên nữa mà là một kiến tạo. 

Yến Năng đã đưa thêm những biểu tượng giả sơn khác để tạo nghĩa mới cho hòn giả sơn sẵn có, trong tổng thể chúng có mối liên hệ như một chòm sao nào đó trên giải thiên hà. Những hòn giả sơn này được tạo bằng những sợi sắt, làm rối một cách ngẫu nhiên, được sơn bằng những màu bắt mắt để tạo nên độ rối loạn của những sợi sắt. Ở những búi sắt rối đó, những hòn đá cuội được cài đặt lên, mỗi mồn hòn đá ấy lại được khắc những mật mã riêng biệt của những nền văn hóa mà chúng ta đã biết lẫn những nền văn hóa mà chúng ta chưa biết và có thể không bao giờ biết. 

Cái hay của tác phẩm này là những mật mã ấy được ẩn dấu khi sắp đặt, nghĩa là không ai có thể nhìn thấy nó. Có lẽ tác giả muốn gieo rắc sự bí ẩn của vũ trụ cho mỗi một khán giả khi xem nó? và mỗi người xem sẽ có cảm nhận và tự đặt câu hỏi cho bản thân về mối tương liên của mình, của nền văn hóa mình sở thuộc với không chỉ trái đất mà còn với những hành tinh khác, với những nền văn hóa hoàn toàn khác ở những nơi rất xa chúng ta. Ở đây,  có sự tham gia của vô thức vào quá trình sáng tạo, Yến Năng nói: “Tôi vẽ những ký hiệu ấy rất nhanh lên 36 hòn cuội, trong vòng hơn 1 giờ, khi vẽ, tôi không suy nghĩ gì hết, hoàn toàn tự nhiên, vẽ ra theo những thứ gì đó du nhập vào đầu mình từ bao giờ đó...”

Và cuối cùng, do quá thích thú với cách làm việc nhóm như thế nên Yến Năng đã cao hứng đặt tên cho tác phẩm này là ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG. Đó cũng là cách anh bày tỏ lòng trung thành với quan điểm nghệ thuật của mình: Sáng tạo nhất và thú vị nhất là quá trình tạo ra tác phẩm chứ không phải là tác phẩm.

Hà Nội ngày 20/12/2018

TS. Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật

 VICAS ART STUDIO
--------------------


 

Bình luận